Translate

Thứ Hai, 16 tháng 11, 2015



15/ CHƯƠNG 08

HÀNH TRÌ THEO PHÁP PHẬT


   Mỗi con người một quan niệm- một niềm tin!
Quan niệm của tôi cũng giống như bài viết dưới đây: Ta gò mình vào khuông sáo để đỡ sai lạc , mê lầm... Thế nhưng khi đã hiểu Pháp rồi thì phải biết "cởi mở" cho mình- "Bám vào căn Pháp" chính là điều sai lầm mà người Phật tử học Phật đã, đang và sẽ còn tiếp diễn bao đời, bao kiếp!...
   Bám vào căn Pháp làm cho ta xa rời hiện thực- né tránh, lần khân với Định nghiệp hoặc chạy trốn, chối từ việc thực hiện nghĩa vụ "Làm người": Làm cha mẹ đối với con cái , làm con đối với cha mẹ, làm vợ chồng đối đãi với nhau- Cũng như làm một nhân tố, một thành viên "có ý thức" bảo vệ cuộc sống, tuân thủ mọi quy ước của xã hội!
   Việc sống trọn vẹn đời sống của một con người- vô hình chung đã là nghĩa vụ, bổn phận của một "Người con Phật"... Khi chỉ bám vào Đạo pháp mà xa rời thực tế, chối bỏ những trách nhiệm thường nhật, là ta đã "Hành sai Pháp Phật" mất rồi! Phật dạy: Làm cha mẹ phải thương yêu con cái, làm con phải hiếu kính với cha mẹ. Làm anh chị phải thuận thảo, bảo ban em út trong nhà... Làm vợ chồng phải yêu thương gắn bó & cùng nhau đảm trách việc lo lắng, chu toàn trong gia đình- Cũng như thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, bổn phận của một người công dân trong xã hội!
Năm điều răn, giới cấm của người theo Phật cũng chỉ nhằm đảm bảo cho chúng ta không sa ngã, mê lầm... Phật không bắt ta phải trường chay, Đạo hạnh- sống đời cam khổ, không bắt đè nén cảm xúc, tư tưởng- không kêu gọi chúng ta phải cạo đầu, cắt ái ly gia...
   Nếu ai giác ngộ Phật pháp cũng cạo đầu đi tu hết cả- thì ... lấy gì mà ăn, lấy ai sản xuất ra hàng hóa, lộc thực- lấy ai điều hành xã hội, vận động nhân quần ?... Chính vì thế- việc trước tiên của người "Tu học Phật pháp" chính là "bảo toàn đời sống và phát triển xã hội"- theo một đường hướng phù hợp với Đạo tâm, với chánh Pháp!
   Những nghi lễ của Đạo giáo, cũng như hình thức thờ phụng chỉ là "ước lệ"... Để chúng ta không xa rời chánh Pháp, không lạc ngõ đường tà- Để ta lúc nào cũng tâm niệm mình là "Người con của Phật ... Hình tượng chỉ là sự nhắc nhở- thấy thế nào là hay là đúng, là phù hợp thì ta cứ làm! Ví dụ như những ngày Lễ, Vía, ngày Rằm, mùng Một... Có nhiều tiền thì nấu mâm cơm chay cúng Phật- thêm hoa trái chè xôi... Ít tiền thì một đĩa trái cây, một bình hoa- ít nữa thì... một nén nhang, hai chung nước trắng! Quan trọng cốt ở "cái Tâm" tin theo, hướng về...
   "Cung kính bất như phụng mệnh”- Làm theo lời Phật dạy hơn là lễ bái "mâm cao cỗ đầy" mà chẳng có cái Tâm! Có một bà cao tuổi ở gần nhà tôi- Bà là Cư sĩ tại gia, lễ lạy và trì Kinh mỗi ngày rất nghiêm túc... Trong nhà có mấy đứa cháu nhỏ cũng ngoan ngoãn, dễ dạy- Thế nhưng "phép Bà rất nghiêm": Chỗ giường ngủ của bà, cái gối bà nằm không ai được đặt đầu. Chiếc chiếu nơi bà ngồi "hành Thiền" không ai được bước chân lên- và cái áo tràng của bà thì không được giặt chung với quần áo thường!...
   Vài lần đi Chùa- tôi chứng kiến cảnh nhiều người lấy khăn sạch lau lên Phật tượng rồi đem lau lên mặt mũi của mình- hoặc dùng tay vuốt lên tượng rồi đem thoa vuốt lên người- nói nôm na là để "Lấy khước"! Có gì trên mình Phật, giữa chốn "bụi hồng”- hay chỉ là một mớ bụi bậm và vi khuẩn?!
Đó chính là niềm tin u mê, lầm lạc và thiếu tỉnh táo- Một người biết giữ giới, chay tịnh và Trì niệm khác gì với một người không chay tịnh, ít đi Chùa lạy Phật- chỉ biết sống thiện sống tốt, hay giúp đỡ người khác và giữ tâm thanh tịnh? Khác nhau chỉ ở "cái Quả", "cái Nhân" mà thôi. Nếu chỉ biết cắm đầu lo "Tu" mà không có "Hành", ta khác nào "đứa trẻ học vè" nơi trường học- thuộc làu Kinh sách mà chẳng hiểu hết nghĩa từ!...
   Chi bằng "mỗi người một tay", xắn tay áo lên mà "Hành theo pháp Phật"... Để rồi trên mỗi bước đường ta đi, những hạt mầm ngon ngọt nhuần gieo- làm sao Pháp chẳng thịnh hành !
   Theo thuyết lý của nhà Phật- mỗi một việc cho dù nhỏ bé, vô danh đi nữa, đều khởi tạo ra một "tiếng vang". Đó là "cái Nhân" khi ta hành sự hay tư tưởng, làm với một tâm địa rộng rãi, quang minh- ấy đã là "Phật sự" vậy rồi!
   Đi trên đường thấy một con cuốn chiếu, một con ốc sên đang vất vã bò ngang- ta ngừng lại, cúi xuống nhặt con vật bỏ vào bụi cây, kẻo nó bị xe chẹn mà chết thì tội. Thấy một người bị va quẹt hoặc ngã xe- ta dừng lại đỡ người bị nạn ngồi dậy, phủi bụi trên quần áo giúp họ, hoặc vào quán bên đường mua một chai dầu để xức vào chỗ trầy xước... Ấy là ta đã làm an ủi, xoa dịu nỗi đau mà họ vừa mắc phải- đó chẳng là "Phật sự" sao !...
   Buổi chiều- thấy đứa trẻ con nhà hàng xóm đang đứng khóc- ta tới kề bên, lấy tay lau dòng nước mắt, mua cho nó cái kẹo rồi dẫn về nhà... Tặng người bộ hành qua đường một bát nước, cho con kiến một hạt cơm, cho người đói một chén gạo, người rét một tấm áo- Nâng cánh hoa vừa ngã dập vì mưa bão đêm qua, chống cho nó một que củi, để hoa có thể tươi nở "cho trọn đời hoa"- Đem một bụi cây nẩy mầm, héo rũ trên tầng cao giữa ngày nắng gió. Cho nó vào chậu kiểng, tưới nước tỉa cành cho cây để nó hồi sinh trở lại- Đó chẳng phải là Phật sự hay sao!...
   Lân la tới gần đứa dữ, chơi với nó rồi lấy cái tình người lựa lời mà khuyên giải nó, giúp nó "hoàn lương" trở lại- đó cũng là Phật sự! Tìm tới vùng đất khô khan, cằn cỗi- ra sức cày xới gieo trồng. Để rồi đến khi cây cỏ "đơm hoa kết trái", có thể ta đã rời đi... Trên con đường vạn dặm đời người- mỗi bước đi qua ta để lại sau lưng giọt mồ hôi phấn đấu, thậm chí giọt máu đổ ra vì tha nhân... Để rồi mốt mai nằm lại- ta nhìn lên trời cao trước mặt, đất rộng sau lưng mà mỉm cười mãn nguyện ! 
   Có Danh nhân nào đó đã nói: "Khi ta sinh ra mọi người đều cười, chỉ riêng mình ta khóc . Hãy làm sao cho đến khi ta chết đi, mọi người đều khóc- chỉ riêng ta mỉm cười"!
     Bài viết nầy là tâm huyết mà tôi muốn trao gởi đến tay những "bạn Đồng môn", những Huynh Đệ, Đạo hữu đã cùng tôi luyện một Thầy, cùng theo một Pháp. Cũng như những "Người con của Phật", lấy Đạo Pháp làm nơi an trú hành trì- Những mong suy nghĩ, chấn chỉnh lại những tư tưởng lệch lạc, sai lầm… kẻo uổng phí đường Tu!






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét