Translate

Chủ Nhật, 15 tháng 11, 2015

12/ BỒ CÂU NGHE ĐƯỢC TIẾNG NGƯỜI- BỒ CÂU BIẾT NGHE PHÁP PHẬT.







 CHUYỆN LẠ : “BỒ CÂU NGHE ĐƯỢC TIẾNG NGƯỜI”
                     “BỒ CÂU BIẾT NGHE PHÁP PHẬT”

                           ***************************

   Đối diện nhà tôi có một trại nuôi bồ câu. Đến một ngày- họ bán cả đàn bồ câu để lấy đất xây nhà…  Có một con bồ câu màu trắng bay lạc ra ngoài, hành trình của chú bồ câu lạc loài bắt đầu !...
Con chim bồ câu toàn thân màu trắng - sạch sẽ , tinh tươm. Nó có một dáng đi đứng  chậm rãi, đĩnh đạc và trang trọng, cứ  như  một  người  đang  “hành  lễ”  vậy!
Con bồ câu trú ngụ ở đâu không biết - mỗi ngày lại bay sang nhà tôi , đậu lên giàn mùng tơi trước nhà tìm ăn trái. Nó chừng như phấn khích lắm khi ăn trái mùng tơi - đôi cánh vỗ liên hồi như múa ! Thấy tội - tôi đem nắm gạo ra rãi ngoài sân cho chim ăn, con bồ câu sà ngay xuống đất mổ gạo…
    Từ đó sinh quen - mỗi ngày con bô câu bay sang nhà tôi ăn gạo hai lần, như đã thành lệ. Buổi sáng độ chín giờ - và buổi chiều khi nắng xế trời tây !
   Quen hơn một chút - con bồ câu lân la bước vào phòng khách… Tôi mang cho một dúm gạo, chim ăn no rồi đứng ngay giữa nhà rỉa lông cánh một lát rồi bước ra thềm cửa vỗ cánh bay đi!...   Trong người bồ câu có nhiều con vật ký sinh, chúng lẩn lút khắp nhà , cắn hút làm ngứa dữ - Từ đó tôi không cho con bồ câu vào nhà nữa…
   Đến một buổi, tôi phát hiện ra là con bồ câu rất thích nghe Pháp giảng: Mỗi khi tôi bật đĩa nghe giảng Pháp Phật là bồ câu lập tức bay sang - không đúng “thông lệ” của hai cử ăn hàng ngày! Nó đi trên bờ tường, đứng lại nơi chính diện phòng khách mà nghe giảng Pháp. Lát sau thì thấy nó đứng yên trầm tư, co một chân lên, nhắm mắt lại như người đang thiền định. Gần như lần nào cũng thế - hễ có Pháp giảng là con chim lại bay sang, lắng nghe suốt cả giờ đồng hồ không rời đi !...
   Sáng hôm ấy tôi sửa soạn đi chợ nấu cơm cúng “chiêu đãi phần âm” ( Mỗi tháng tôi cúng chiêu đãi lộc thực cho âm vong, Cửu huyền thất tổ và các chư vị Quan Thần tướng trong nhà một lần )
Mới hơn sáu giờ sáng - vừa mở cửa ra, tôi đã thấy con bồ câu đứng sẵn đó rồi … Nó nhẩn nha bước vào phòng khách , đến bên tôi. Tôi nói : “Sao bữa nay qua sớm quá vậy con? Cô bận đi chợ cúng phần âm - về đi , lát nữa rồi qua nghe !”…
   Con chim bước ra, đi bọc vòng hiên nhà vào bếp.Tôi xuống nhà sau dắt xe đi chợ, đã thấy nó đứng sẵn đó rồi. Xưa nay con bồ câu vẫn còn e sợ lắm, hễ tôi lân la đến gần là nó lập tức bay đi, sao hôm nay lạ vậy không biết nữa!... Tôi lại nói: “Biểu đi đi mà - mỗi ngày 9 giờ con mới qua ăn , sao hôm nay qua sớm vậy ?”
Tôi đi chợ, hơn một giờ sau về nhà, vẫn thấy con bồ câu đứng lơ ngơ bên cửa. Nghĩ chắc là nó đói sớm nên sang kiếm ăn, tôi lấy một nắm gạo vãi ra sân cho nó…  con bồ câu chẳng đoái hoài gì mấy hạt gạo, cứ lẩn quẫn theo chân tôi bước vào phòng khách. Tôi la: “Đi ra ngoài kia ăn đi, đừng có ở đây, coi chừng nhảy đổ bể hết ly tách bây giờ !”… xong trở xuống nhà sau lo nấu nướng. Con chim lại lòn ra cửa sau , cứ lòng vòng theo chân tôi !
   Thấy nó không thèm ăn gạo dưới đất, tôi lấy một cái chén nhựa cho vào đó một nắm gạo, đem ra… Lạ sao con chim cũng không đụng đến hạt nào, lại gần đó nằm yên xuống một chỗ !   Tôi lầm bầm: “Hôm nay lại trở chứng đòi ăn trong nhà hả?” - Nói rồi đem gạo vào để ở giữa phòng khách, thì con chim mới chịu ăn !
   Lát sau - ăn uống no nê, nó leo lên đứng trên cái ghế thấp bên bậu cửa… Thấy sự lạ - tôi dọn dẹp một góc trên bàn khách, chỉ tay lên đó , nói với con chim: “Ừ thôi - leo lên đây đứng làm người mẫu đi con !”    Xuống nhà sau làm việc tiếp, tôi vẫn để tâm theo dõi con chim… Khi trở lên, tôi thấy nó đứng sẵn đó rồi - trên bàn nước, đúng chỗ tôi vừa chỉ tay lúc nãy.      Thì ra con bồ câu nầy nghe được tiếng người - Tôi ngạc nhiên , lấy máy ảnh ra chụp vội vài tấm, con chim vẫn cứ đứng im , cách tôi có… hơn nửa mét !
   Lát sau - tôi lại thấy nó leo lên ghế, đứng ngay trên chiếc gối lót ngồi. Tôi la lên : “Đừng có leo lên đó - rồi “làm bậy” dơ hết gối bây giờ! Lên chỗ “tay vịn” mà đứng đó thiền định đi con !”
   Lát nữa trở lên nhà trước, tôi thấy con chim đang đứng ngay trên “tay vịn” ghế , co một chân lên mà nhắm mắt… ngủ !   Thấy sự việc quá lạ lùng , tôi lại lấy máy ảnh ra chụp tiếp vài tấm. Xong lại tiếp tục”thử nghiệm”- Dọn trống một chỗ trên chiếc bàn cao kề bên cái truyền hình, tôi vỗ vỗ bàn tay lên đó nói: “Leo lên đây đứng nè - để soi bóng vào trong đây chụp hình cho đẹp nghe !”
   Một lát, trở lên nhà trên thì… “Trời ạ!” - Con bồ câu đang “nghiễm nhiên” đứng đúng chỗ mà tôi vừa đặt tay lên lúc nãy !  thế là tôi lại đem máy ra chụp tiếp…  Chú bồ câu vẫn ung dung đứng đó , không e dè gì tôi cùng với cái máy ảnh chớp sáng liên hồi ở kề bên !
   Trưa hôm ấy - khi bày dọn cỗ lễ ra để cúng, tôi thấy con chim vẫn không bay đi như mọi khi, mà ra “nằm ì” ngoài cửa rào, ngay giữa trời trưa nắng cháy…   Suy nghĩ một lát, tôi nghiệm ra: “Chắc là linh hồn những con chim đã chết trở về để cầu xin được siêu thoát, nên mới bắt ép con nầy ở lại chực chờ mãi không đi ! Tôi nói: “Cô biết linh hồn những con chim khác muốn qua con bồ câu nầy để xin cho cứu vong… Lát nữa - khi cúng lễ cô sẽ xin Ơn Trên cho linh hồn các con đi thầu thai chuyển kiếp hết tất cả. Nhưng đừng bắt con kia nằm lì ngoài nắng thế kia , nó sẽ chết mất, đưa nó lui vào trong cột cửa, chỗ có bóng mát kia kìa!
   Lát sau, nhìn ra ngoài sân - tôi đã thấy con bồ câu lui vào nằm ngay dưới trụ cửa rào, nơi có bóng mát…   Sự lạ thường ấy làm cho tôi ngạc nhiên hết sức - vì xưa nay , hễ ăn no là nó vỗ cánh bay liền, không ở lại nhà tôi nữa!…
   Đã hơn nửa năm, kể từ lúc nhà bên kia xây mới, con chim bồ câu lưu lạc, lang thang - vẫn mỗi ngày hai cử sang nhà tôi “ăn ké”! Có lẽ “nhà chủ” không biết có sự tồn tại của con bồ câu nầy chăng ?...   Bồ câu là giống thích chỗ ở xinh đẹp, nhiều màu sắc… Nếu ta nuôi trong chuồng xấu, chúng sẽ bỏ đi “nhập bọn” với những con có “chỗ ở đẹp” - Thế mà chú bồ câu nầy vẫn ở đấy, lặng lẽ đi về không một âm vang !
   Đến một ngày tôi mới phát hiện ra con bồ câu về ngủ trên tấm đan cửa sổ “nhà chủ” bên kia… Hình như nó không hề ngủ - Nửa đêm thức dậy, bước ra phòng khách nhìn qua cửa kính, tôi vẫn thấy con bồ câu đứng nguyên ở đó - cheo leo ngoài rìa tấm đan cửa sổ… Chỉ một tư thế ấy, nhiều đêm đã trôi qua… Những đêm giá buốt hơi sương và lặng lẽ mùa đông rét mướt !
   Nó luôn phải “cảnh giác”, không dám nằm lui vào trong tấm đan cửa - đề phòng con mèo nhà hàng xóm vẫn rình bắt nó, suốt ngày suốt đêm… Để nghe tiếng động, con chim đủ thì giờ bay thoát !
Con mèo ấy luôn rình bắt chú chim bồ câu - và tôi thì… rình đuổi con mèo ! Cuộc đuổi bắt thầm lặng ấy diễn ra mỗi ngày, mỗi đêm làm cho tôi mất ngủ suốt ! Thỉnh thoảng trở mình thức giấc, tôi lại bước ra phòng khách, căng mắt lần tìm hình ảnh con bồ câu màu trắng bên kia, in chiếc bóng lẻ loi cô độc dưới ánh đèn đường…
   Một buổi chiều, khi con bồ câu vừa bay sà xuống chuẩn bị ăn gạo, thì con mèo cũng lần đến… Con chim hoảng hốt bay lên, đi mất, tôi thấy con mèo lại gần, ăn những hạt gạo để trong chiếc chén sứ trên bờ tường, lát sau thì nó phóng xuống đất, chạy mất…
    Chiều hôm ấy chắc con bồ câu nhịn đói. Đến sáng hôm sau, khi đang ngồi trong phòng khách, tôi nghe thấy tiếng con chim bay qua, đậu mãi trên cao gần mái nhà. Nó khua khoắng trên đó, mãi chẳng thấy leo xuống ăn. Tôi nói: “Xuống ăn đi con, cô đuổi con mèo đi rồi - không có nó đâu mà sợ!”…
Lạ thay, con chim vẫn không chịu leo xuống… Đến khi bước ra sân, tôi mới thấy con mèo chạy vụt ra từ trong bụi cây gần đó!   Tôi đuổi con mèo chạy xa, rồi quay lại dụ con chim xuống ăn… Thấy nó vẫn nằm im trên mái, tôi bắt ghế leo lên cao, đưa chén gạo lại gần, nó vẫn cứ im lặng nhìn mà không chịu ăn !  Suy nghĩ một lúc, tôi chợt hiểu: Thì ra nó “nghe hơi” con mèo trong chén gạo!   Tôi lấy một dùm gạo mới, bỏ vào cái chén khác - vậy là con chim leo xuống ăn ngon lành!...   
   Đến một ngày - nghĩ thương cho con chim quá, tôi bàn với cô Hà: “Hay là mình dụ nó vào nhà cho ăn rồi bắt đem về nhà em nuôi. Nhốt nó lại vài bữa, tối cho nó nghe Kinh riết rồi sẽ quen , để nó ra vô trong nhà cho ấm cúng. Kẻo để ngoài sương gió như vậy trông thấy “xót ruột” quá!”… Con chim vẫn đứng “lim dim” nghe tôi nói, đến khi tôi mang chén gạo đến gần thì nó… bay đi mất, không thấy trở lại nữa!
   Có lẽ linh hồn con chim bồ câu kia là một con người mắc đọa, nên mới nghe và hiểu được tiếng người, lại còn biết nghe Pháp Phật nữa…   Điều nầy minh chứng cho thuyết lý của nhà Phật: “Vạn loại chúng sinh có thể là cha mẹ anh em bè bạn, thân bằng quyến thuộc của ta nhiều đời, nhiều kiếp trước - thế nên phải tôn trọng, đừng hành hạ, ác tâm mà tủi cho vong linh người đã khuất!”…

              Viết ngày 25 / 03 / 2013
                      TỊNH VÂN

2 nhận xét:

  1. Mọi vật đều có tính linh đúng không cô.

    Trả lờiXóa
  2. Đúng vậy!...
    Ngay cả loài cây cỏ vô tình cũng có tánh linh- chúng cũng có quá trình tiến hóa theo quy luật: "Thành- trụ- Hoại- Không". Để rồi từ cái "không" lại đâm chồi thành cái "có"- vạn vật cứ lặng lẽ xoay vòng theo quy luật của vũ trụ. Hết vòng luân hồi nầy, lại đến vòng luân hồi khác...

    Trả lờiXóa