Translate

Thứ Ba, 17 tháng 11, 2015

18/ MẸ DIÊU TRÌ THUYẾT GIẢNG ( PHẦN TIẾP THEO )




   ... Một chiếc xe máy, muôn ngàn chi tiết, không chi tiết nào thiếu, chẳng chi tiết nào thừa. Thiếu con ốc này xe chạy không được, thiếu con ốc kia xe vận hành không thông… Tức là tất cả mọi điều đều có ba- rem, đều có khuôn mẫu cả rồi, nó phải như vậy là phải như vậy. 
   Các con đi con đường này, phần Linh căn xoay chuyển các con để đúng thời điểm, tới thời điểm hợp lý, cái cây nó đến mùa ra hoa, thì sẽ xoay chuyển để cho con tìm đến nguồn cội tâm linh của mình, để con tìm gặp cái vị thầy có thể hướng dẫn các con đi theo con đường tâm linh. Nhưng mà rõ ràng 1 điều: Nếu tâm các con Ngộ chưa đủ, thì các con sẽ bước lẫn vào con đường của tà, còn nếu tâm các con Ngộ đủ thì Huệ minh của các con mở, các con sẽ biết được con đường nào là chánh, con đường nào tà.
   Cái con đường chánh tà đó không phải do bản thân các con lựa chọn đâu, mà do Linh căn các con lựa chọn đấy. Nếu linh căn các con còn đam mê những lợi danh trần thế, còn mang cái tà thần, còn mang tà phép, còn ham điều binh khiển tướng thì các con sẽ lạc vào cái cửa của Đạo sĩ, của Hành pháp, của Thiên ma… của các cõi khác. Còn nếu mà tâm các con muốn chững lại, muốn tu tâm, muốn dưỡng tánh, muốn hành thiện… các con sẽ lạc vào cửa cô Lan. Bởi vì ở đây là “chỗ cống hiến”, ở đây không phải là chỗ để hài danh, hài tánh, không phải là chỗ để nâng cao quyền tước và phẩm vị!
   Mỗi một con người các con, các con tưởng rằng các con lựa chọn- không đâu, “Linh căn các con lựa chọn đấy”. Khi nào xoay chuyển đến 1 ngày, 1 giờ, 1 phút nào các con được tương hội cùng cô Lan đây, ngồi cùng cô Lan đây, nghe một thời pháp, nói một vài câu chuyện, cười cùng với nhau- Đi về, còn giữ lại trong tâm của mình niềm mến cảm cô Lan, và mai mốt lại tìm tới đây để có thể nghe thêm 1 thời Pháp, hoặc là có thể nói tiếp xúc, nói chuyện cùng các anh chị em một lần nữa, đã là hữu duyên! Còn nếu không có duyên thì lần tới sẽ chặn không cho các con tiếp xúc nữa đâu- các con hẹn lên thì xe bị bể bánh, các con hẹn lên thì phải họp, các con hẹn lên phải đi công tác… Đó là do phần linh căn của con không chấp nhận đi con đường này, không phù hợp với nó, nó không cho con đi- Không phải con muốn mà được đâu!
   Rồi tất cả ta nói như là “cộng nghiệp”, khi các con ngồi ở đây, tức là các con cùng 1 nghiệp, nghiệp gì: Nghiệp Độ Trần! Còn nếu mà các con không có nghiệp độ trần, các con không chấp nhận đâu- Rõ ràng 1 điều, có người… thí dụ như làm xong về vợ chồng con cái nói: “Trời ơi, mê tín dị đoan, hồi đó giờ không tin, bây giờ lại đi tin theo nầy nọ, đi học này nọ, về ngồi thiền ngồi định”. Đó là cái nghịch Duyên. Mà cái nghịch duyên đó níu kéo, con có ngã hay không, hay nhất định không ngã, con vẫn nhất định đi theo con đường đạo, là do linh căn con chứ không phải do chính trần xác con.
   Và cái quả vị mà các con đạt được… Ngày hôm nay, ta nói, để đánh tan sự kiêu ngạo của mỗi con người nếu còn sót lại, đánh tan cái tự tôn của mỗi con người nếu còn sót lại. Nếu mà tự tôn, tự ngã, đề cao cái tôi của chính mình, thì các con đã tự mình đứng ra ngoài nguồn cội. Bởi vì nguồn cội chỉ có một, và nguồn cội- không có xưng danh 1 cái nào, không có khoác áo nào, nguồn cội không ngồi ngôi cao, mà nguồn cội không nề chỗ thấp, nguồn cội không cân phân giữa cái áo của vua quan và cái áo vải nghèo hèn, nguồn cội không phân ngồi ghế cao hay ngồi ghế thấp… Nguồn cội là bàng bạc trong hư không, như cái giọt nước kia, như những dòng sáng kia!
   Ta nói rồi, con mở cửa ra, dòng sáng đi đến tận cùng ngõ ngách. Hễ chịu đưa mặt ra đón ánh sáng thì ánh sáng sẽ vào mặt con, nếu con lủi trong bóng tối, thì đương nhiên ánh sáng không vào được. Nguồn cội như những giọt nước kia, từ nguồn chảy xuống. Con mở lòng ra cho rộng thì con nhận được rộng. Ao có nước ao, hồ có nước hồ, biển có nước biển mà sông có nước sông, suối có nước suối... Tất cả đều từ 1 nguồn cội mà chảy ra. Chính vì vậy, được bao nhiêu là do bản thân ta muốn thọ nhận bấy nhiêu, và được bao nhiêu là do tâm lực ta tình nguyện bấy nhiêu.
   Không có cái gì là của ta cả! Nói là của ta nhưng mà không phải của ta, đạo Phật nói rằng: “Sắc tức thị Không. Không tức thị Sắc. Thọ tưởng hành thức. Diệt phục như thị”. Khi mà ta diệt tất cả những cảm nghĩ của ta, cái tôi của ta, diệt tất cả những cái Tham- Sân- Si, những cái gì thuộc về: nhà của tôi, xe của tôi, tiền của tôi, của cải của tôi... Khi nào mà ta nói rằng: “Không có gì là của ta cả”, bởi vì dứt 3 hơi thở ra thì “Tất cả không còn gì là của ta cả”. Chừng nào ta cảm nhận được điều đó, ta mới thoát ra ngoài, ta mới đại Ngộ được! Ta mới thoát ra ngoài được thể xác phàm trần này, linh hồn ta mới bay lên cao hòa nhập cùng vũ trụ, hòa nhập cùng các Đấng, hòa nhập cùng tất cả các cõi, đó- Ta nói như vậy!
   Thế thì chúng ta hãy biết rằng những gì mà chúng ta nhận, ta muốn mở ngoặc ra nói một chút nữa, tại sao ta thương cô Lan của các con? Cô Lan của các con luôn miệng bảo rằng: “Tôi không là gì cả, tôi không là ai cả, tôi không là một Đấng nào cả- tôi là tôi, và tôi chỉ có cái lòng là tôi chịu để cho các Đấng nhắm mắt dắt tay”. Đương nhiên là cô Lan cũng đã chấp nhận rằng đây là con đường đi mà cô Lan muốn chọn, chứ đâu phải nhắm mắt ai cũng dắt tay được. 
   Chính vì vậy, ta nói rằng, những gì chúng ta thọ nhận được, chúng ta làm được không phải là của chúng ta, chỉ là cái tâm chúng ta trao tặng vô điều kiện, chứ mà ta trao tặng không phải cái của mình, mà là “Của Các Đấng” !.
   Chính vì vậy, hãy đánh tan cái kiêu căng, cái ngã mạn trong bản thân chúng ta. Ngày nào mà ta còn kiêu căng ngã mạn, ngày nào ta còn nói: “Thôi không chữa cho người đó đâu, người đó hồi trước chửi mình, giờ mình không chữa đâu”, là lúc đó ta còn chưa xứng đáng với các Đấng. Mà khi ta chưa xứng đáng với các Đấng, thì nguồn năng lượng các Đấng về ta có cân phân, người ta gọi là “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”. Cái ly nước nó chứa được có chừng này nước, nó không thể chứa nhiều hơn nữa, muốn nhiều hơn nữa, phải cái ly to hơn. Thì cái ly to hơn, khi nào ta xứng đáng hơn, ta sẽ được nhiều hơn. Còn bây giờ, ta không được gì cả là tại vì ta chưa xứng đáng đủ, hiểu chưa?
   Chính vì vậy, nếu ta chưa xứng đáng đủ, không phải ta là một kẻ bỏ đi, không phải ta là kẻ xấu, mà là cái “Ngộ” của ta có thể đang lạc đường. Cái “Ngộ” của ta chưa đúng, cái “Ngộ” của ta chưa đủ. Chính vì vậy, ta chưa đạt được tất cả. Còn nếu cái ngộ của ta đã đủ, cái tâm của ta cho đi vô điều kiện, cái tâm của ta trao tặng không cân phân… Thì các Đấng đã nói 1 điều là “Ai chịu làm thì ta trợ cho làm, còn ai không chịu làm nữa thì ta không trợ”, vậy thôi! Đương nhiên, bây giờ con có căng cái buồng phổi ra, con mở ra, con hít sâu vào, thì không khí nó vào trong phổi con, nó mới làm nẩy nở phổi, mới làm cho lưu thông máu huyết và thần kinh. Còn bây giờ con bịt lỗ mũi lại thì con thở được không- Không được! Có nghĩa là khi con thọ nhận thì con sẽ nhận được, con mở lòng ra thọ nhận, khi con không thọ nhận con sẽ không nhận được gì cả. Và đương nhiên nữa, con đóng cửa thì không có không khí nào len vào được, con mở cửa không khí mới len lỏi được.
   Mà không phải con mở cửa chỉ 1 buổi, 1 ngày rồi con khép cửa lại. Cái cánh cửa khi con mở lần đầu tiên bao giờ cũng rít, khó mở lắm, bởi vì nó chưa hề được mở… Giống như những người mở luân xa lần đầu tiên rất là nặng nề, rất là cực khổ: “Trời ơi, học về không hiểu gì hết! Học về không nghe, không cảm thấy gì hết”! Nhưng mà khi mở thường mỗi ngày, lúc đó nó sẽ dễ mở- và khi nó dễ mở rồi thì không khí nó vào… Cứ hễ con mở 1 ngày 5 tiếng thì không khí vào nhà con 5 tiếng, con mở ngày 1 tiếng, không khí vào có 1 tiếng. Chính vì vậy chúng ta mới biết rằng: “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”. Chúng ta xứng đến đâu thì các Đấng sẽ cho chúng ta đến đó!
   Nếu chúng ta, năng lực chúng ta giỏi quá mà sao chúng ta làm không được việc, là bởi vì: “Một, có thể là chúng ta đang đi lạc đường- hai, chúng ta phấn đấu chưa đủ- ba, có thể chúng ta tự mãn quá nhiều- bốn, có thể chúng ta còn cân phân giữa cái tình và cái lý, giữa cái thực và cái ảo, cân phân giữa thể xác phàm trần và thể xác vĩnh cửu, cái linh hồn vĩnh cửu”. Nghĩa là chúng ta đang: “Chưa Đúng Đường”! Chưa đúng về mặt nào ta chưa nói, ta chỉ muốn nói rằng là: Bình tĩnh lại một chút, thận trọng lại một chút- Một đoàn người đi nói: “Đi, đi tới kia kìa, lâu đài Chân lý kia kìa, đi mau lên, mau lên”! Nắm tay nhau, kéo nhau, bương nhau chạy, đủ mọi cách hết… Thay vì chúng ta sợ chậm bước, chúng ta cũng “lẹ lẹ, chạy theo mọi người”- thì chúng ta chỉ là người xu phụng theo phong trào, chúng ta chỉ là kẻ a dua, chúng ta chỉ là người theo dấu, chúng ta chưa đạt được 1 điều gì cả!
   Cái thành tựu chỉ đạt được kết quả trong cô tịch của nội tâm, trong sự tịch lặng của tâm hồn- trong cái sự quay vào của bản thể, trong cái sự hướng ra của “toàn tâm đón nhận và thụ hưởng”. Còn bây giờ, ta cứ kéo bè kéo lũ: Giờ học nhân điện, kéo nhau học nhân điện, đi hành đạo kéo nhau hành, đi hành hương kéo nhau hành, đi chữa bệnh cũng tập trung chữa, thấy người ta móc túi cho tiền cũng móc túi cho tiền. Ta làm giống như mọi người, ta tưởng rằng ta đạt được, đó là sai lầm!
   Chậm hơn một chút, tĩnh lặng hơn một chút, ít phô trương hơn một chút, quay vào trong hơn một chút… chúng ta sẽ nhận được nhiều hơn tất thảy những con người khác. Tất cả những cái gì mà hùng hùng tráng tráng, hoành hoành cửu cửu, cái gì mà chúng ta thấy những sự nổi bật làm cho người trần thế chúng ta phải trầm trồ thán phục, phải giật mình, phải kinh sợ- Tất cả đều là những sản phẩm của tà phái, của thiên ma… của những kẻ mà có nhiều quyền phép chỉ để nộ nạt thiên hạ. Còn đối với các Đấng, cái sự hiển lộ của các Đấng không bao giờ hiển hiện cho đến độ: nhìn đây ông Phật, đây Bồ tát, đây đây, này nọ… Không bao giờ !
   Các vị Phật, các vị Bồ tát, các Đấng ngôi cao đến đâu thì án vào đó, mang hình tích ở đó. Án vào đây thì là cậu T, mang tất cả tính khí cậu T, nói năng cũng cậu T, hành xử cũng cậu T. Án vào cô Lan ra cô Lan, án vào cậu Linh ra cậu Linh, án vào cậu Dư ra cậu Dư… Có nghĩa là dòng nước nó chảy đến đâu thì nó mang cái vỏ đựng của nó đến đó, nó mang hình tích của vỏ đựng, hiểu chưa!
   Chính vì vậy mà đừng nói rằng, sao học nhân điện mà người này tốt người kia xấu, người này vầy người kia khác... Không phải đâu! Và tại sao là: Mẹ Diêu Trì về ở tại cửa điện này giảng khác, sao Mẹ về Mẹ khoác áo Mẹ ngồi ngôi cao, Mẹ nói ra là oai phong lẫm lẫm, Mẹ mở miệng ra Mẹ phán một lời là “Nhất hô bá ứng”. Tại sao Mẹ Diêu Trì về đây, Mẹ đâu có bỏ công mà nói với 5 người, với 10 người, với 2, 3 người? Mà chính vì vậy, ta hãy biết một điều rằng: Nếu ta nhận được cái sự huấn giảng của Mẹ ngày hôm nay, có nghĩa là ta đủ ân phúc để được nghe sự huấn giảng đó. Có những kẻ không đủ ân phúc, thí dụ như cô T, rời ra về có lý do, cậu P. cũng vậy. Họ chưa đủ ân phúc để có thể nghe một thời pháp giảng của mẫu Diêu Trì ta đây.
   Chính vì vậy, ta muốn nói rằng: Tất cả các con đều đã có một cái duyên phúc lớn để ngày hôm nay các con có thể ngồi đây cùng ta 1 giây, 1 giờ, 1 phút để nghe những lời huấn thị, để cho các con có thể vững bước hơn nữa trên con đường đạo. Để mà ngày mai khi các con bước vào đời, mỗi con người một hoàn cảnh, mỗi con người một công việc, mỗi con người một hướng đi. Các con sẽ mang theo tấm lòng của các Đấng ban tặng cho các con ngày hôm nay.
Diêu Trì ta ngồi chính bệ ngôi cao, áo mão cân đai, rồng vàng phủ phục- thế mà ta có thể về ta chui lòn vào cái cửa này đây, ở một nơi chốn vẫn còn nhiều cái ô uế, trần tục, ở một nơi chốn ồn ào, náo nhiệt không xứng đáng để cho áo mão cân đai về ngự- nhưng mà ta vẫn về đây, ta vẫn ngồi đây ta nói chuyện cùng các con! Bởi vì lòng ta vẫn đoái mong rằng khi mà rời căn nhà này, rời chỗ này ra đi, các con mang theo tấm lòng của Diêu Trì ta đi theo cùng... Và trên từng bước đi của các con trong cuộc đời, các con sẽ nói rằng: “Lòng Mẹ theo cùng con, và con nhất định bấm chân đi theo con đường của Mẹ”- Ta chỉ cần các con đi theo con đường của ta thôi!
   Khi mà các con chịu đưa bàn tay cho ta nắm, ta chưa từ bỏ bàn tay nào- Diêu Trì ta hứa như vậy! Hãy có lòng tin ở ta đủ, con sẽ nhận được đủ những gì con xứng đáng được. Và đương nhiên ta nói rồi, chỉ những gì con xứng đáng được! Thế thì trước tiên, con hãy làm “người xứng đáng” đã, hiểu chưa?
   Thôi nhé, cái ồn ào nó làm cho tâm ta không định tĩnh, thì ta mượn xác mà nói cũng khó khăn- Diêu Trì ta chào nhé!
- Các anh em Vị Lai Pháp nói: Chúng con xin chào Mẹ.






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét